(roosam.com) – Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, của Quân đội và Nhân dân ta. Đồng chí mãi là hình ảnh cao đẹp về một người cộng sản Việt Nam, một vị tướng thiên tài, nhà chỉ huy tài năng, văn võ song toàn của Quân đội ta, một nhà lãnh đạo quân sự, chính trị lỗi lạc của Đảng, Nhà nước ta; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đang xem: Hình đại tướng võ nguyên giáp

*

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bộ đội diễn tập, năm 1957. Ảnh: Bảo tàng LSQSVN.

Nghiên cứu về con người và sự nghiệp của ông, thế giới không chỉ ca ngợi tài thao lược kiệt xuất mà còn phân tích sâu những yếu tố cơ bản, những bài học có giá trị lớn nhất làm nên một thiên tài quân sự.

Vị tướng thiên tài, nhà chỉ huy mưu lược, văn võ song toàn

Với cả cuộc đời hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn đem hết tinh thần, nghị lực và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại tướng luôn gắn mình với sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; chống đế quốc Mỹ xâm lược và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngay từ khi chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bác Hồ đã chỉ đạo đặt nhiệm vụ tuyên truyền và chính trị là trọng tâm, xây dựng lực lượng tự cường dựa vào Nhân dân là chính: “Chúng ta sẽ dựa vào sức mình là chính cùng với một ít viện trợ từ nước ngoài. Mọi việc đều do nhân dân mà nên. Người trước súng sau, có nhân dân là có tất cả”1.

Một chuyên gia quân sự của Mỹ, ngài Cecil B. Curry, đã viết cuốn sách: “Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự”, xuất bản ở Mỹ năm 1997. Cuốn sách được dịch ra tiếng Pháp năm 2003 ấn hành ở Pa-ri và cũng được dịch ra tiếng Trung Quốc xuất bản ở Bắc Kinh, trích lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến lược chiến tranh của chúng tôi không phải chỉ liên quan đến những công việc thuần túy quân sự. Chiến tranh phải là một chiến lược tổng thể kết hợp nhiều yếu tố khác nhau. Mục đích chính trị là căn bản. Quân đội không phải chỉ có nhiệm vụ chiến đấu, mà phải tuyên truyền, giáo dục dân chúng. Như vậy, mọi người đều là lính. Tất cả, mỗi làng, mỗi quận (huyện) là một pháo đài và cả nước chúng tôi là một chiến trường rộng lớn. Chúng tôi tập trung lực lượng ở vùng này hay vùng khác tùy thuộc vào điều kiện chính trị chiếm ưu thế từng thời kỳ trong từng giai đoạn. Điều này là một nguyên tắc chiến lược rất quan trọng để tiến hành chiến tranh toàn dân…”2.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vị trí là Tổng Tư lệnh của lực lượng vũ trang nhân dân đã trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy các hoạt động của Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đánh thắng hai đội quân xâm lược hùng mạnh nhất của thời đại là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nét nổi bật đặc sắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến là tư duy về quân sự của Ông luôn gắn liền với tư duy về tổ chức chiến tranh nhân dân. Tư duy về chiến tranh nhân dân hình thành trong ông từ rất sớm; bắt nguồn từ lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về vai trò của quần chúng nhân dân; từ sự kế thừa nghệ thuật quân sự trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta; và hơn nữa, là từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Khi nhận nhiệm vụ chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tư duy về một cuộc chiến tranh nhân dân đã hình thành trong ông với mô hình tổ chức: “Xung quanh Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có các đơn vị vũ trang ở các huyện, các đội dân quân tự vệ các xã làm chỗ dựa cho Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thực thi nhiệm vụ của mình. Ba thứ quân đó gắn bó với nhau trong mọi hoạt động, khi tác chiến thì phối hợp chặt chẽ với nhau”3. Tư duy về nghệ thuật chiến tranh nhân dân đó đã trở thành tư duy chủ đạo của ông trong suốt quá trình chỉ đạo, chỉ huy kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.

Ông kết hợp rất khéo léo, chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa… đạt kết quả toàn diện trên cả hai mặt trận: kháng chiến và kiến quốc. Ở tuyến trước, quân dân Việt Nam thực hiện linh hoạt phương châm quân sự “2 chân, 3 mũi” (2 chân quân sự, chính trị song song, 3 mũi tấn công vũ trang, đấu tranh chính trị của quần chúng và binh địch vận), đánh địch khắp ba vùng chiến lược: Rừng núi, đồng bằng, đô thị. Còn ở tuyến sau, luôn xây dựng, củng cố vững chắc căn cứ địa cách mạng và hậu phương, chi viện đắc lực cho tiền tuyến. Chiến tranh nhân dân Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự. Đường lối ưu việt của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ đã đánh bại và làm phá sản đường lối tốc chiến, tốc thắng và các chiến lược của những đế quốc hùng mạnh nhất thế kỷ XX.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Ở đây, tôi chỉ muốn nêu lên một thành tựu sáng tạo quan trọng vào bậc nhất là nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đã từng bước xây dựng nên những nhân tố cơ bản cho một nghệ thuật chiến tranh giữ nước và giải phóng của dân tộc nhược tiểu, đất không rộng, người chưa nhiều, có thể gọi là nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh: nghệ thuật chiến tranh toàn dân”4.

Báo chí ở Mỹ, với đầu đề: “Vị tướng huyền thoại” đã mô tả Đại tướng là một nhà chỉ huy quân sự tài ba, một người anh hùng dân tộc, một “Napoleon Đỏ” đã từng đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ (xuất bản năm 1993) ca ngợi: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao…”; báo chí một số nước châu Âu, như: Anh, Pháp và Nga thì ca ngợi Đại tướng võ nguyên Giáp là “Một trong 10 vị tướng nổi tiếng nhất thế giới”, “Vị tướng suất sắc nhất mọi thời đại”.

Nhân dân ta tôn vinh gọi Đại tướng là “Vị tướng của lòng dân”, “Vị tướng của nhân dân”, hay một cái tên trìu mến: “Tướng Giáp – Anh Văn, Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Tên tuổi của Đại tướng đã gắn liền với sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam, với Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, gắn với dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tài năng, nhân cách của Đại tướng thể hiện đó là nhân cách và trí tuệ Việt Nam.

Năm 1940, khi Anh Văn là thành viên của Phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương được tổ chức cử sang Trung Quốc cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng đón Bác Hồ. Khi gặp, Bác Hồ đã phát hiện những tố chất thiên tài quân sự ở Anh Văn và đã được Bác dìu dắt, rèn luyện và tín nhiệm giao nhiệm vụ. Khi phong hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ đã trả lời câu hỏi “căn cứ nào để phong Đại tướng” của báo chí nước ngoài: “Đánh thắng Đại tá phong Đại tá, đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng, thắng Trung tướng phong Trung tướng, thắng Đại tướng phong Đại tướng”, điều đó nói lên sự tin tưởng tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với bản tính cách mạng, thông minh và nhãn quan thiên tài về quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kế thừa tinh hoa quân sự của thế giới, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc và phát triển những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng quân sự và đạo đức, phong cách tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm nên một vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam và thế giới. Và ở Đại tướng, sức mạnh của dân tộc, của thời đại được hội tụ và phát huy mạnh mẽ.

Về xây dựng nghệ thuật quân sự, chiến lược, phương châm, kế hoạch chiến đấu, Đại tướng đã sáng tạo, phát huy cao độ nghệ thuật chiến tranh nhân dân của truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, tư tưởng quân sự và sự chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã trở thành “vị tướng huyền thoại”. Xin điểm lại 3 trận chiến lớn có tính quyết định lịch sử, đó là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954; chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ” trên không năm 1972; Đường Trường Sơn và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dốc tâm trí nghiên cứu học thuyết quân sự của giai cấp vô sản và tư bản, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Liên Xô, chiến tranh chống Nhật của Trung Quốc, lý luận quân sự của Clausewitz, những trận đánh của Napoléon, truyền thống đánh giặc của tổ tiên, những trận đánh thắng và không thắng của ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đúc kết thành những nguyên tắc quân sự độc đáo của Việt Nam.

Các sách quân sự và các tác phẩm văn học của ông đã giúp nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quân sự trên thế giới hiểu biết về cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện và tự giải đáp được nguyên nhân vì sao thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, Tướng Peter Mac Donald đánh giá: từ năm 1944 – 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm Tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có.

Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay, người viết tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá” nhận định: “Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại…”.

Nguồn gốc nào đã làm nên một vị Đại tướng huyền thoại như vậy. Bên cạnh những nguồn gốc Đại tướng Võ nguyên Giáp đã kế thừa tinh hoa quân sự của nhân loại, của dân tộc Việt Nam, một bản tính thông minh và nhãn quan quân sự kiệt xuất của Đại tướng, thì còn một nguồn gốc nguyên nhân trực tiếp nữa, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Người học trò ưu tú, xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngay từ khi còn rất trẻ, trước nỗi đau mất nước, nỗi đau của người dân nô lệ, bị xiềng xích, tủi nhục, người thanh niên Võ Giáp mới 16 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng, tham gia các tổ chức cộng sản, tổ chức bãi khóa và bị bắt tù đầy. Khi được đứng vào trong hàng ngũ của Đảng và được giao nhiệm vụ trọng trách lớn lao, Đại tướng đều đau đáu vì dân, vì nước, không ngại hy sinh gian khổ, khi các nhà báo nước ngoài phỏng vấn, Đại tướng trả lời: “Tôi đã cống hiến cả cuộc đời tôi, từng ngày, từng giờ, từng phút để phục vụ Đảng và Nhân dân Việt Nam, tôi chẳng hối tiếc gì cả”.

Xem thêm: Bật Mí Cách Xin Vé Tàu Qua Màn Trong Candy Crush Saga Qua Cửa Nhanh

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là viên ngọc sáng của chiến tranh cách mạng Việt Nam, ông còn là hiện thân của sự khiêm tốn, khiêm nhường và một tấm lòng nhân ái, rộng mở. Hình ảnh của Tướng Giáp cương trực, bản lĩnh trên chiến trường luôn là những hình ảnh đẹp trong ký ức của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những năm đầu thập kỷ 60, thế kỷ XX, trước tình hình một số cán bộ quân sự nhận thức chưa đúng về mối quan hệ giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ: “Đảng ta không bao giờ có một chiến lược quân sự thuần túy, và chưa bao giờ hạn chế chiến tranh ở mức độ chiến tranh du kích. Chiến lược chiến tranh cách mạng của Đảng là một chiến lược tổng hợp, kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn”5.

Nét đặc sắc mà kẻ thù không thể ngờ được là chiến tranh nhân dân không chỉ diễn ra ở miền Nam, mà còn được tổ chức hết sức sáng tạo ở miền Bắc, góp phần quan trọng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Một nhà báo nước ngoài đã nhận xét: cụm từ “phòng không nhân dân” chỉ thấy ở Việt Nam; “một lần nữa, Võ Nguyên Giáp là người đề xướng, người có tầm nhìn chiến lược tài ba của loại hình chiến tranh này”6.

Cả cuộc đời của Đại tướng bao giờ cũng quý trọng, học tập và phục vụ Nhân dân, học tập tinh hoa truyền thống của dân tộc, Đại tướng tự nhận: “Tôi chỉ là giọt nước trong biển cả Nhân dân”, Đại tướng bao giờ cũng đánh giá rất cao vai trò của nhân dân, khi đánh giá công trạng vai trò của một vị tướng, có nhà báo nước ngoài hỏi “Vị đại tướng nào vĩ đại nhất” Đại tướng đã không ngần ngại trả lời “Nhân dân Việt Nam”. Khi hòa bình lập lại, Đại tướng lúc nào cũng đau đáu vì dân, vì nước. Câu hỏi lúc nào cũng thường trực trong Đại tướng, tại sao hòa bình rồi mà dân còn khó khăn, đất nước còn lạc hậu?. Vì vậy Đại tướng được gọi là “Đại tướng của nhân dân”, “Đại tướng của lòng dân”.

Khi trả lời báo chí trong nước và quốc tế bao giờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng viện dẫn các nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Việt Nam đều bắt nguồn từ tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta nghe rất cảm động. Đại tướng đã kể, học được từ Bác rất nhiều, học từ cái nhỏ nhất từ sức chịu đựng và thích nghi với mọi hoàn cảnh của Bác, Đại tướng kể “không thấy Bác kêu ca phàn nàn bao giờ, kể cả việc thời tiết hôm nay nóng hay lạnh”, trong Hồi ký Đại tướng viết: “Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử”7.

Với tinh thần của người cộng sản, Đại tướng nhớ mãi lời nhắc của Bác Hồ: “Chú Văn ạ, làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng”, vì vậy Đại tướng luôn đặt lợi ích của quốc gia dân tộc, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, không bao giờ Đại tướng nói đến công lao của bản thân, không kêu ca phàn nàn. Luôn luôn phục tùng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật Đảng, Đảng phân công làm việc gì, Đại tướng cũng nỗ lực làm với một tinh thần tận tụy và nỗ lực hết mình, liêm khiết và trung thực, không công thần, kèn cựa địa vị, luôn phát huy tinh thần đoàn kết trong nội bộ Đảng, đoàn kết dân tộc, nỗ lực phấn đấu hy sinh cho lợi ích chung. Khi góp ý cho đồng chí, đồng đội, cho đất nước bao giờ Đại tướng cũng hết sức thận trọng, xây dựng, ân cần, chân thành và thẳng thắn. Với những chiến công hiển hách, nhưng khi về đời thường Đại tướng vẫn hết sức bình dị, khiêm tốn, chân thành, cởi mở như một người ông, người cha.

*

Quân ủy TW họp bàn dịch Thu Đông 1953-1954: từ phải qua Chủ nhiệm Tổng cục CT Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Trần Đăng Ninh, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng. Ảnh: Dantri.com.vn.Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam

Với tư cách là Đại tướng – Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng bao giờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng rất quý trọng thương yêu cán bộ, chiến sĩ, khi trả lời với báo chí nước ngoài, Đại tướng nói: “Tôi bình đẳng với chiến sĩ của tôi”. Nói về nghiệp cầm quân của mình, Đại tướng thổ lộ: “Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên chiến trường”. Ta lại nhớ đến câu thơ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại cáo: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” để thấy lòng yêu thương bao la của Đại tướng với chiến sĩ của mình. Đại tướng đã được tôn vinh là “Người anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh cách mạng, về đạo đức cách mạng của người cộng sản. Sinh thời, Bác đã dạy các tướng lĩnh về 6 chữ: “Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò thực hiện đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất 6 chữ ấy. Không chỉ gắn tên tuổi mình với những mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc từ ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; từ chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử chấn động địa cầu cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Vị tướng binh nghiệp ấy – “Người anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, dù trải qua biết bao trận chiến lớn nhỏ, dù đã quá quen với thương vong nhưng lại là người luôn cân nhắc để làm sao từng chiến sĩ của mình ít phải đổ máu nhất. Trí – Dũng – Nhân của ông chính là ở đó. Đại tướng thường tâm sự với đội ngũ cán bộ thuộc quyền rằng: Chiến tranh không phải là vấn đề thể diện, không được phiêu lưu, mạo hiểm, không cho phép đánh đổi bằng bất cứ giá nào. Một người chỉ huy giỏi là một người đánh thắng kẻ thù nhưng ta thương vong thấp nhất, đổ xương máu ít nhất. Sinh mạng của con người là vô giá và không gì có thể bù đắp được nỗi đau mất mát trong chiến tranh. Dĩ công vi thượng, khiêm tốn, sống giản dị, thanh cao, quyết đoán, dân chủ và bao dung, nhân hậu – đó là nhân cách Võ Nguyên Giáp – một thiên tài quân sự.

Trong các phương án chiến đấu bao giờ Đại tướng cũng chọn phương án tổn thất xương máu cho chiến sĩ thấp nhất. Ngay trong cuộc đối đầu chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, phương châm tác chiến đã đề ra là “Đánh nhanh, thắng nhanh”, nhưng khi đi tham quan thực địa trên chiến trường, trước hệ thống phòng ngự dày đặc, kiên cố, “một con nhím khổng lồ” của cứ điểm Điện Biên Phủ, được thực dân Pháp rêu rao là cối xay thịt, Đại tướng hết sức trăn trở, với rất nhiều nguyên nhân trong đó nhớ lời căn dặn của Bác: “Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua, vì thua là hết vốn”; đồng thời, Đại tướng nghĩ đến sự hy sinh xương máu của đồng chí, đồng đội khi gặp một hệ thống phòng ngự kiên cố, nguy hiểm như thế, nên Đại tướng đã quyết định chuyển sang phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” để đỡ tổn thất xương máu của đồng chí, đồng đội. Đại tướng đã thổ lộ: “Ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!”. Sau này, nhiều tướng lĩnh trong Quân đội ta đã nói, nếu đánh theo cách cũ thì nhiều tướng lĩnh và chiến sĩ ta không tham gia được cuộc kháng chiến chống Mỹ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có thể kéo dài hơn 10 năm nữa. Vì lẽ đó nên Đại tướng được gọi là “Đại tướng hòa bình”.

Bước sang thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tư duy về chiến tranh nhân dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện sự phát triển về nghệ thuật quân sự mới. Đó là việc tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân vững mạnh; “luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ vững độc lập, chủ quyền, coi trọng việc xây dựng sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân”8. Theo ông, tổ chức xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập tự chủ, tự lực tự cường, từng bước hiện đại là phương châm cơ bản của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt điều đó vừa đáp ứng yêu cầu đấu tranh trong thời bình, tạo sức mạnh ngăn chặn âm mưu gây chiến của kẻ thù, vừa đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai (nếu xảy ra).

Chúng ta thật tự hào có một Đại tướng Tổng tư lệnh, nhà chỉ huy thiên tài, mẫu mực về đạo đức và tài năng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã nêu một tấm gương trong sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng trung thành vô hạn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, về lòng yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân, về lập trường giai cấp kiên định, tinh thần cách mạng triệt để, tiến công kiên quyết và liên tục vào mọi kẻ thù, chiến đấu không mệt mỏi để giành thắng lợi cho cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chân lý, không lùi bước trước bất cứ nguy hiểm khó khăn nào, luôn nêu cao khí phách kiên cường của người cộng sản./.

Chú thích:1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tổng tập Hồi ký (tái bản lần thứ hai). H. NXB Quân đội nhân dân, 2018, tr. 86 – 88.2. Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam. Lịch sử Quân sự (Bộ Quốc phòng). Quyển 1. H. NXB Quân đội nhân dân, 2015, tr. 1103 – 1106.3, 6. Nguyễn Văn Sự. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Danh tướng thế kỷ XX qua tư liệu nước ngoài. H. NXB Quân đội nhân dân, 2011, tr. 379, 528.4, 5, 7, 8. Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tổng tập Hồi ký.

Xem thêm: Bật Mí Cách Xem Lượt Follow Trên Instagram Của Người Nói Tiếng 1

H. NXB Quân đội nhân dân, 2006, tr. 611, 1353, 1355 – 1357.Thượng tướng Võ Minh LươngỦy viên Ban Chấp hành Trung ương ĐảngỦy viên Quân ủy Trung ươngThứ trưởng Bộ Quốc phòng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *