*

Đã bao giờ bạn nuối tiếc vì những gì mình đã lãng phí, vì mình đã sống không trọn những ngày tháng tuổi trẻ?

“Những điều tuổi trẻ thường lãng phí” với nhan đề sách cho giới trẻ nhưng lại là cuốn sách dành cho mọi đối tượng. Đó là tập hợp những câu chuyện cổ kim, đông tây, những câu chuyện được tác giả Trần Trọng Sâm sưu tầm và biên dịch. Mỗi câu chuyện là một bài học, một triết lý sống. Nhưng không vì thế mà nó khô khan, kén người đọc. Ngược lại, nhờ vào sự dung dị, đời thường đó mà dễ cảm nhận, dễ đi vào lòng người.

Dẫu là ai, cho dù còn trẻ hay đã qua tuổi đôi mươi thì đây cũng là một cuốn sách đáng để đọc. Đọc để biết mình là ai, đọc để biết thế giới này vận hành như thế nào, và hơn hết đọc để sống chứ không chỉ đơn giản là tồn tại cho hết tháng năm dài.

Đang xem: Những điều tuổi trẻ thường lãng phí

*

Có lẽ câu chuyện tôi thích nhất trong tuyển tập này là “Hai cơ hội”.

Một sinh viên người Mỹ sau khi tốt nghiệp Đại học California phải gia nhập quân đội theo nghĩa vụ quân sự. Anh ta vô cùng lo lắng và hoang mang khi bị điều đến một đơn vị hải quân lục chiến đấu gian khổ theo kết quả bắt thăm. Ông thấy cháu nặng trĩu hoang mang liền tâm sự với anh. Những lời phân tích của người ông từng trải đã giúp làm vững lòng chàng trai trẻ.

Vào hải quân lục chiến cháu vẫn có hai cơ hội: Một là ở đơn vị hậu cần, hai là ở đơn vị chiến đấu. Nếu được ở đơn vị hậu cần thì còn điều gì phải lo lắng, sợ hãi nữa.

Nếu chẳng may bị điều đến đơn vị chiến đấu, sẽ có hai cơ hội: Một là ở lại đất nước mình, hai là có thể bị điều đến một căn cứ quân sự ở nước ngoài. Nếu được phân công ở nước mình thì còn điều gì phải lo lắng, sợ hãi nữa.

Nếu bị điều động đến căn cứ quân sự nước ngoài, sẽ có hai cơ hội: Một là được đến một quốc gia hòa bình, yên ổn. Hai là bị điều đến một quốc gia có chiến sự để duy trì hòa bình. Nếu được đến quốc gia hòa bình thân thiện thì cần gì phải lo lắng, sợ hãi nữa.

Nếu bị điều đến quốc gia có chiến sự để duy trì hòa bình sẽ có hai cơ hội: Một là an toàn trở về, hai là chẳng may bị thương tật. Nếu an toàn trở về thì điều lo của cháu chẳng phải là thừa đó sao?

Nếu bất hạnh bị thương cháu vẫn sẽ có hai cơ hội: một là bảo toàn tính mạng, hai là chữa trị hoàn toàn vô hiệu. Nếu cháu có thể an toàn trở về đâu còn phải lo lắng gì nữa.

Nếu chữa trị hoàn toàn vô hiệu vẫn có hai cơ hội: Một là xung phong ra tuyến đầu mà chết, sẽ trở thành anh hùng quốc gia. Hai là vì non gan, yếu bóng vía, sợ chết trốn tránh phía sau mà gặp nạn. Theo tính cách của cháu, cháu tất nhiên trở thành anh hùng, đương nhiên cháu cần gì phải lo lắng nữa.

*

“Bất kể ở cảnh ngộ nào chúng ta đều có ít nhất hai cơ hội, một là cơ hội tốt, hai là cơ hội xấu. Trong cơ hội tốt vẫn tiềm ẩn những nhân tố xấu. Trong cơ hội xấu vẫn tiềm ẩn những nhân tố tốt. Mấu chốt là chúng ta dùng nhãn quan nào, thái độ nào, tích cực hay tiêu cực để đối diện với chúng”.

Cuộc sống bao giờ cũng vậy. Đưa ra cho nhiều người cùng một tình huống. Hoàn cảnh giống nhau nhưng chính cách họ tư duy, hành động mới tạo nên sự khác biệt. Điều quan trọng là thấy sáng trong tối và tìm tối trong sáng. Mọi thứ không thể tường minh hết 100% nhưng hãy luôn đi về hướng tích cực. Tại sao có người thành công, có người thất bại. Trong khi thất bại thì nhiều, mà thành công chỉ là một con số vô cùng khiêm tốn. Bởi người thành công luôn có những suy nghĩ tích cực, làm nên sự khác biệt, họ tìm được cơ hội trong chính những khó khăn mà họ gặp phải. Người bi quan thì sao? Lúc nào cũng cho rằng cuộc đời đang ngược đãi mình, mình kém may mắn, họ nói hay mà làm chẳng được bao nhiêu.

Một người được xem là thành công, hạnh phúc khi căn cứ trên nhiều phương diện. Không chỉ đơn giản là người đó kiếm được bao nhiêu, quần áo nhãn hiệu nào. Điều đó không phải là vấn đề. Điều tôi muốn đề cập ở đây là những mối quan hệ bền vững của họ. Tạo dựng được một mối quan hệ mới đã khó, duy trì nó lại càng khó hơn. Muốn liên kết được với thế giới thì chính bản thân chúng ta phải là một nhân tố kết nối trước đã. Như vậy mỗi người sẽ như một mắt xích, làm cho mối quan hệ này càng bền chặt, khăng khít hơn.

Mối quan hệ đầu tiên mà chúng ta có và là mối quan hệ bền vững nhất theo ta từ khi mới lọt lòng đến khi rời xa thế giới này đó là tình cảm gia đình. Nhiều người cho rằng đó là thứ hiển nhiên và không biết quý trọng những giây phút mình đang có. Đến khi mất đi rồi có hối tiếc cũng không kịp. Thời gian không chờ một ai. Đừng mài mê chạy theo cái bóng hào nhoáng bên ngoài thế giới mà quên mất đi gia đình nhỏ bé của mình. Có thể nhiều lúc họ khiến ta cảm thấy phiền phức, cảm thấy áp lực nhưng tất cả những thứ đó là vì tình cảm quá to lớn mà gia đình giành cho chúng ta. Đừng thấy áp lực mà trốn tránh mà hãy đón nhận nó với trái tim rộng lớn bao la.

Năm 1 tuổi, mẹ tôi phải đi làm, không có thì giờ trông tôi. Đêm nào tôi cũng khóc khiến cho mẹ tôi không ngủ được, có đêm thức đến sáng.

Năm 3 tuổi, sức khỏe của tôi rất yếu, ăn rất kém. Mẹ hết sức lo lắng cho tôi, chăm chút ba bữa ăn cho tôi từng li từng tí nhưng tôi vẫn chẳng chịu ăn.

Năm tôi 6, 7, 8 tuổi, hằng ngày mẹ đưa tôi đi học, mong tôi chăm chỉ học hành nhưng tôi lại thường giấu chuyện tranh ở lớp.

Năm tôi 9 tuổi, mẹ tôi phải tiết kiệm chi tiêu để có thể mua cho tôi quần áo, giày dép mới. Tôi luôn cho rằng những cái của mình không bằng các bạn nên hay khóc dỗi mẹ.

Năm tôi 15 tuổi, mẹ tôi muốn đến ký túc xá thăm tôi nhưng tôi sợ người ta chê mẹ tôi xấu nên tôi không muốn cho mẹ tôi đến.

Năm tôi 16 tuổi, mẹ luôn nhắc tôi phải học tập cẩn thận để thi vào cấp ba, nhưng tôi đều bỏ qua, bắt đầu nghĩ tới chuyện yêu đương.

Năm tôi 19 tuổi, mẹ mua áo bông cho tôi mặc cho ấm nhưng vì nó quá thô nên tôi vẫn xếp chặt dưới đáy hòm.

Năm tôi 23 tuổi, mẹ tôi hi vọng sau khi tốt nghiệp đại học tôi tìm một chỗ gần nhà công tác, nhưng tôi như chim xổ lồng bay đến tận phương Nam xa nhà hàng ngàn cây số.

Năm 24 tuổi, mẹ tôi nói trong điện thoại rằng mẹ bị ngứa ở chân, vào mùa hè rất khó chịu. Lúc đầu tôi định đưa mẹ vào Nam để chữa bệnh nhưng sợ tốn kém nên lại thôi.

Năm tôi 25 tuổi, mẹ dò hỏi tôi tình hình bạn trai như thế nào, tôi không chịu được liền nói thẳng ra với mẹ: “Tiêu chuẩn của con khác mẹ rất xa”.

Năm tôi 26 tuổi, mẹ bỏ hết cả tiền lo đám cưới cho tôi, còn nắm chặt hai tay tôi, nhưng tôi gạt tay ra, cùng với chồng đến nơi xa ngàn dặm ở nước ngoài làm ăn.

Xem thêm: Phim Truyện: Những Ngọn Nến Trong Đêm Phần 2 Tập 5, Những Ngọn Nến Trong Đêm

Năm tôi 27 tuổi, mẹ tôi gọi điện hỏi tình hình con cái ra làm sao, còn nói sẵn sàng giúp đỡ tôi chăm sóc cháu. Tôi nói: “Không cần! Mẹ không thể dạy cháu Tiếng Anh”

Năm tôi 33 tuổi, mẹ tôi bảo sức khỏe của mẹ không được tốt, mong tôi về nhà một lần. Nhưng tôi bảo, thời gian này con rất bận.

Năm tôi 35 tuổi, cha tôi gọi điện thoại, có việc khẩn cấp con về ngay. Tôi hỏi việc gì? Cha tôi nói: “Mẹ khó qua rồi…”.

Lúc này, đầu tôi như nổ tung, tôi khóc, tôi kêu, tôi la, tôi hét, tôi than, …

Mọi chuyện đã quá muộn rồi, hối hận cũng không kịp nữa.

Người trẻ thì luôn mải miết đi tìm chân trời mới, ra đi vì cho rằng mình đã trưởng thành, đến khi biết nghĩ, lại bất chấp để trở về. Gia đình là cội nguồn của mọi tình yêu trên thế gian này. Đừng vì một phút bốc đồng mà đánh mất tình yêu lớn nhất của cuộc đời mình các bạn nhé!

Cuộc sống rộng lớn này mang đến cho chúng ta bao nhiêu thứ phải lựa chọn. Đừng vội vàng chạy theo số đông hay trào lưu, mà hãy chậm lại dù chỉ một giây thôi để tìm ra thứ phù hợp nhất, rồi bạn sẽ thấy biết ơn một giây này về sau. Bởi bạn biết đấy, không có điều gì là tối ưu dành cho tất cả mọi người, mà chỉ có thứ phù hợp nhất. Có thể nó tốt với bạn nhưng không phù hợp hay chưa hẳn đã tốt với người khác. Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để tìm được những thứ, những việc phù hợp với mình? Đó quả là một câu hỏi khó mà tất nhiên mỗi người lại có những phương pháp khác nhau. Riêng cá nhân tôi cho rằng, bạn trước hết hãy đọc thật nhiều và quan sát thế giới trước đã. Dù không thể biết tường tận tất cả quy luật của vũ trụ nhưng chúng ta cũng biết đến ít nhiều. Học từ thất bại và những bài học của người khác là cách học khôn ngoan nhất. Thà đổ mồ hôi trên trang giấy còn hơn đổ máu trên chiến trường. Tinh thần xông pha, dẫn đầu cũng tốt đấy, nhưng tất cả sẽ chẳng là gì nếu lên đường với một cái đầu rỗng tuếch. Người có kiến thức nền cơ bản sẽ rất nhanh tiếp thu được những cái mới. Kiến thức là vô hạn, không ai trong chúng ta có thể tự tin mà nói rằng hiểu biết của mình sâu rộng ở mọi lĩnh vực hay tôi có quá nhiều kiến thức rồi không thể hấp thụ thêm được nữa.

*

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng được nghe về câu chuyện “Chiếc bình đầy vơi”. Người thầy giáo bảo đầy sỏi vào một chiếc bình và hỏi học trò của mình chiếc bình đã đầy hay chưa. Ai cũng đồng tình rằng nó đã đầy không thể cho thêm gì vào bên trong nữa. Nhưng sau đó, thầy giáo tiếp tục cho thêm cát và nhắc lại câu hỏi đầy hay chưa. Chỉ có một số cho rằng đã đầy một số khác thì không lên tiếng. Thầy giáo đổ nước vào trong bình và lặp lại câu hỏi của mình. Lúc này phần lớn học trò nghi ngờ cho rằng cốc chưa thực sự đầy nhưng quả thực nó đã đầy.

*

“Người tự cho mình hoàn hảo thường còn nhiều thiếu xót. Còn người thật xuất sắc lại thường cho mình là chưa hoàn hảo. Vì từng trải khiến cho người hoàn hảo biết mình vẫn còn những thiết sót, còn người tự cho mình là hoàn hảo thường không hiểu điều này”.

Câu chuyện này không chỉ nói về những giới hạn của con người mà còn muốn nhắc nhở chúng ta về cách sắp xếp công việc cho phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Thử tưởng tượng thế này nhé, chúng ta thay đổi thứ tự cho sỏi, cát và nước thành nước, cát rồi đến sỏi vào bình. Bạn có nhận ra điều gì không? Khi cho cát vào thì nước tràn ra ngoài, và cũng không thể cho thêm sỏi vào được nữa sau khi cát đã đầy bình. Cũng như khi chúng ta sắp xếp công việc không hợp lý vừa mất sức mà lại không thể hoàn thành được nó. Hãy ưu tiên những việc cần làm trước và những việc quan trọng nhất. Kế hoạch quyết định đến hơn 50% sự thành công của quá trình. Nhưng đừng vì thế mà lơ là việc thực hiện khi đã có trong tay một bản kế hoạch hoàn hảo. Mọi thứ chỉ là trên mặt giấy nếu chúng ta không thực sự bắt tay vào làm việc, cũng như thế thành quả sẽ không bao giờ đến vì chúng ta chưa thực sự làm.

Hãy tận tụy và chăm chút cho từng bước đi bởi sai một li là đi một dặm hay thiếu một cái đinh là sụp đổ cả một nền thống trị. Sau đây là minh chứng lịch sử cho câu nói đó.

Mấy trăm năm trước diễn ra cuộc chiến quyết định ai là người thống trị nước Anh. Nguyên Quốc vương Richard đệ tam thất bại vì một lí do tưởng chừng như không tưởng. Trước ngày chuẩn bị chiến đấu, Richard đệ tam dặn người chăn ngựa chuẩn bị cho mình một con ngựa thật tốt. Nhưng vì người chăn ngựa này thiếu chu đáo, chưa đóng cẩn thận bộ móng chân ngựa đã dắt ngựa ra. Cuộc chiến đấu trôi qua được 30 phút, mấy người lính của Quốc vương sợ quá bắt đầu bỏ chạy. Richard đệ tam phát hiện được liền cho ngựa đuổi theo để gọi họ quay lại. Nhưng vừa chạy được mấy bước, bộ móng tụt ra, chiến mã vì thế mà khuỵu xuống. Ngài bị té và bị quân địch bao vây ngay sau đó.

Thiếu một cái đinh, rơi bộ móng sắt.

Rơi bộ móng sắt, một chiến mã bị thương.

Một chiến mã bị thương, làm ngã một thống soái.

Một thống soái ngã làm cho chiến dịch bị thua.

Một chiến dịch bị thua cả một nền thống trị bị sụp đổ.

Câu nói này được lưu truyền rộng rãi ở nước Anh, nó luôn nhắc nhở họ rằng: Những sai sót nhỏ có thể dẫn đến tai họa lớn.

*

Mọi sự vật, sự việc tồn tại đều có liên kết chặt chẽ với nhau, một mắt xích khi bị hỏng dù ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ sự vận hành của hệ thống. Chẳng vì thế mà ông bà ta hay nói: Con sâu làm dầu nồi canh.

Lên kế hoạch cẩn thận, tìm được đường đi đúng đắn, điều tiếp theo chúng ta cần làm trên hành trình này là kiên định với những gì mình đã chọn. Đừng để bản thân bị lung lay bởi sóng gió cuộc đời hay lời nói của thiên hạ hiếu kì. Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Đẽo cày giữa đường thì không bao giờ có thể đẽo gỗ thành cày mà nó chỉ mãi chỉ là một khúc gỗ mà thôi. Nói là việc của họ còn có nghe theo hay không lại là việc của chúng ta. Hãy chọn lọc những góp ý để làm ta tốt hơn, sáng tạo ra những cái mới và bỏ qua những điều vô nghĩa, cản bước đi của ta.

*

Làm việc gì cũng vậy, nỗ lực cố gắng là điều không thể thiếu. Nhưng chúng ta cũng cần phải biết giới hạn của bản thân để không vượt quá xa vòng an toàn. Như một vận động viên leo núi, nếu như có vấn đề về sức khỏe mà cứ liều mình leo lên đỉnh núi cao chỉ vì mục tiêu đặt ra thì đó chính là mục tiêu hạn hẹp, mục tiêu làm hại con người. Hãy cứ bước đi và khi chạm được đến giới hạn của bản thân đó cũng đã là một thành công lớn. Hãy xông pha, hãy cống hiến, nhưng đừng hiến luôn cả mạng sống bản thân. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng mọi giới hạn là do con người đặt ra và đều mang tính tương đối.

Xem thêm: Truyện Cổ Tích Dành Cho – Top 18 Câu Chuyện Cổ Tích Việt Nam Hay Nhất

Và điều cuối cùng, đó là hãy chọn cho mình những người bạn đồng hành thực sự. Người luôn sát cánh bên ta những khi khó khăn, vất vả, động viên ta đi lên hay san sẻ cùng ta những phút giây hạnh phúc, hân hoan ở đình cao chiến thắng. Người mà ta có thể tin tưởng để chia sẻ mọi thứ mà ta có. Nếu bạn muốn đi nhanh hơn hãy đi một mình, nhưng nếu bạn muốn tiến xa hơn hãy có bên mình những người đồng đội.

*

Tác giả: Phương Anh – Bookademy

————-

Bài viết cộng tác cùng Bookademy xin gửi về:

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *