Múa Lân sư rồng vốn là một bộ môn “dường như chỉ dành cho nam giới”, nhưng tại Cần Thơ, một đội lân chỉ toàn chị em phụ nữ đã làm nên rất nhiều điều kỳ tích. Ngay cả việc luyện tập hằng ngày của họ cũng có 1001 câu chuyện để kể.
Trên đỉnh cột sắt cao 7m có đường kính khoảng 7cm, những đôi chân nhanh nhẹn pha một chút sự táo bạo, liều lĩnh, không kém phần chuyên nghiệp khiến người ta khó mà rời mắt. Dù không phải là lần đầu tiên chứng kiến nhưng ai nấy đều thể hiện sự ngưỡng mộ trên khuôn mặt khi nhìn thấy những cô gái đứng trên mai hoa thung đang hoàn tất bài tập luyện của mình. Tú Anh Đường có lẽ đã làm nên lịch sử khi khởi xướng sự bình quyền trong thể dục thể thao. Đây được xem là nơi đầu tiên những cô gái Việt mảnh mai, xinh xắn trong trang phục Lân – Sư – Rồng xác lập kỷ lục “thượng thừa” tại Hiệp hội Lân Sư Rồng Việt Nam nói riêng và cả châu Á nói chung.
Trong một buổi chiều tràn ngập không khí chuẩn bị Tết Nguyên Đán 2021, thầy Lương Ấn Đường khẳng định chắc nịch đây là một dịp cực kỳ thích hợp và đặc biệt với đoàn khi đã xuất sắc vượt qua thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thầy Đường lần đầu tiên nhắc cặn kẽ về câu chuyện ở khoảng thời gian cách đây hơn 10 năm, khi thầy là một Dược sĩ nhưng lại được người dân Cần Thơ gọi là “Võ Sư” và nổi danh là “cha đẻ” của Tú Anh Đường – Đoàn Lân Sư nữ đầu tiên biểu diễn trên mai hoa thung lập hàng loạt kỷ lục tại Việt Nam và châu Á.
DƯỢC SĨ 50 TUỔI VÀ ĐỘI LÂN NỮ SỞ HỮU NHIỀU KỶ LỤC CẢ CHÂU Á CÔNG NHẬN
Từ độ cao hơn 5 mét trên mai hoa thung, 3 cô gái trẻ vẫy tay, làm động tác cúi chào những người đang xem bên dưới kèm theo nụ cười rực rỡ, đó là 3 trong hơn 70 thành viên của Tú Anh Đường. Khi rất nhiều cô gái nông thôn đã quen với gian bếp, ruộng nương và việc sắp xếp nhà cửa cho chu toàn thì tại Tú Anh Đường tất cả những rào cản hay quan điểm về phái mạnh – yếu đều được gói gọn trong 2 từ “được hay không?”.
“Nếu chỉ có hùng dũng thôi thì chắc bộ môn này đã trở thành võ thuật chứ không phải một bộ môn nghệ thuật. Nó cần một sự uyển chuyển, khéo léo nhất định nhưng các bạn vận động viên nam thì lại khó thể hiện điều đó, chính vì vậy mà trong một số phân khúc, lân sư rồng cần cả nữ, mà đôi khi nữ lại làm tốt hơn nam nếu được đào tạo bài bản. Lân sư rồng mà không có nữ là một sự thiếu sót”, thầy Đường bộc bạch. Chính vì những suy nghĩ này, người dược sĩ trẻ lấy căn bản xuất thân từ võ thuật đã xây dựng một sân chơi thể thao thực thụ cho các học trò của mình.
Ngày đêm trui rèn, cuối cùng Tú Anh Đường chính thức được thành lập từ năm 2008, những thành viên đầu tiên là các cô gái từ 14 – 28 tuổi. Đoàn lân hoạt động chính ở huyện Ô Môn, thành phố Cần Thơ và sau hơn 13 năm tuổi, đây hiện đang là đơn vị lân sư rồng lập nhiều kỷ lục nhất tại Việt Nam.
Trong căn nhà nhỏ của mình, thầy Lương Ấn Đường dùng toàn bộ diện tích phòng khách làm nơi trưng bày tất cả những thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển của Tú Anh Đường. Từng tấm bằng khen, chứng nhận kỷ lục được lồng khung treo lên một cách trịnh trọng.
Năm 2011, sau thành tích của Lê Yến Quyên – nữ vận động viên múa lân trên cột cao nhất châu Á, Tú Anh Đường bắt đầu khẳng định sự góp mặt của mình trong văn hoá lân sư rồng nước nhà. Sau hơn 3 năm hoạt động, đơn vị này mang về nhiều vinh quang cho Hiệp hội Lân sư rồng Việt Nam tại Liên hoan Lân sư rồng châu Á. Năm 2012, Tú Anh Đường được Tổ chức Kỷ lục xác nhận là Đội múa lân nữ trẻ nhất Việt Nam đồng sở hữu những thành tích đáng nể như là Đoàn múa sư tử nữ duy nhất tại Việt Nam, Đội múa hoạt náo Lân Sư Rồng nữ duy nhất tại Việt Nam, Đơn vị lân nữ biểu diễn tiết mục nhảy bục duy nhất tại Việt Nam,…
“Chưa tính cả những giải thưởng cấp tỉnh, cấp khu vực, sau này Tú Anh Đường “lớn” chắc có lẽ để những tấm huân chương này kể lại câu chuyện của nó”, thầy Đường cười duyên rồi nói lời tán dương.
CHUYỆN SÁNG ĐI TẬP LÂN, CHIỀU VỠ ỐI ĐI ĐẺ CỦA “BÀ TRÙM” MÚA MAI HOA THUNG
Chúng tôi nhìn thấy nhiều hơn một sự tâm huyết ở người thầy tuổi đã xấp xỉ 50 dành cho Tú Anh Đường và những đứa con vốn dĩ chẳng thân thích. Khi kể về các học trò của mình, thầy Đường giọng nói vừa khí thế, vừa tự tin. Điển hình khi chúng tôi nhắc về Lê Yến Quyên vì nghe tin cách đây không lâu gia đình chị vừa ăn mừng con gái tròn 1 tuổi. Thầy Đường bất giác nhớ lại câu chuyện làm nên “lịch sử” của đoàn lân cách đây 1 năm.
“Tôi nhớ chiều ngày hôm đó Yến Quyên vẫn là người thực hiện công tác huấn luyện bình thường như mọi ngày, đến khoảng 7 giờ tối lúc đó đoàn đã ai về nhà nấy, vợ tôi mới nhận được cuộc gọi của Yến Quyên báo là mình vỡ ối, lúc đó tôi còn ngạc nhiên nhắc chiều nay nó vẫn đến chỉ bảo các em trong đoàn đều đặn mà. Nhà tôi mới xách xe ra đến chở đi bệnh viện sanh ngay trong đêm. Tôi nhớ hoài ngày đó, ngày 1 tháng 1 năm 2019”.
Xem thêm: Các Tỉnh Thành Tiếp Tục Cho Học Sinh Nghỉ Học, Lịch Học Của 63 Tỉnh, Thành
Câu chuyện của Yến Quyên khiến cả đoàn chúng tôi bật cười, một phần như tiếp thêm sức mạnh và niềm tin vào các cô gái bé nhỏ, can trường. Đỉnh cao không bao giờ phân biệt nam hoặc nữ, đó là nơi dành những người xứng đáng, các cô gái ở Tú Anh Đường đã chứng minh điều đó đúng. Trên mai hoa thung, sự hớn hở, vui tươi ấy là một cách nói khác của đam mê và nhiệt huyết.
“Quyên giờ đã có 1 cháu. Con của Yến Quyên nếu tính ra là thế hệ thứ 3 của đoàn. Ba mẹ sẽ cho nó nối nghiệp. Nhớ từ lúc vừa mang bầu đến lúc sinh con vẫn còn làm công tác huấn luyện, ít khi vắng buổi nào, con nhỏ nghe tiếng trống trong bụng mẹ”, thầy Đường nhìn theo học trò của mình đang hăng say tập luyện rồi nói.
Ngoài Quyên, thầy Đường còn chủ động nhắc đến cô học trò theo chân mình suốt 26 năm tên Tiên. Bên cạnh đó, còn có các cô cậu từ trung bình đến khá giỏi không bỏ sót bất kỳ một thành viên tiên tiến nào.
Nếu người ta nghe nhiều lời oai hùng nhất của ba mẹ thì có lẽ nó được thể hiện ngay lúc họ nói về con cái của mình. Thầy Đường đã cho chúng tôi cảm giác đó qua cách mà thầy nói về Tú Anh Đường. Hướng mắt về những “đứa con” đang say sưa tập luyện bên ngoài, thầy kể:
“Có đứa ít nói chuyện, ít tiếp xúc với tôi mà làm việc thông qua phó trưởng đoàn; ví như Yến Quyên, thầy trò tôi ít khi nói chuyện dài với nhau nhưng khi làm việc thầy trò vẫn rất hiểu ý nhau. Trên tinh thần phát triển đam mê của các học trò, mình tạo điều kiện tốt thì các em sẽ phát triển tốt”.
KHI NGƯỜI ĐỜI NÓI “CHỈ AI THẤT HỌC MỚI THEO NGHỀ LÂN” THÌ Ở TÚ ANH ĐƯỜNG, CHỈ TOÀN NHỮNG HỌC SINH KHÁ VÀ GIỎI!
Trong gian nhà nhỏ quan sát học trò đang tập, thầy Lương Ấn Đường cho biết tinh thần của các “lân viên” tại Tú Anh Đường đầu tiên là dũng cảm, kiên cường nhưng song song với đó còn phải có kiến thức, không biết thì phải học chứ không được có những nghi kỵ, khúc mắc với nhau.
Nói cụ thể về điều này, phải bàn thêm ở điểm những văn hoá lân sư rồng thời xưa và nay. Mặc dù lân sư rồng mang theo những tinh hoa trong văn hóa phương Đông nói chung nhưng thực hư những trận giao tranh, giành địa bàn khốc liệt thời trước là vẫn xảy ra. Với đoàn lân nữ, những người ngoại đạo như tôi cũng lấy làm thắc mắc: Bây giờ những căng thẳng ấy có còn không? Nếu vẫn còn thì liệu một đoàn lân nữ sẽ phải làm những gì để có cho mình đất diễn?
Thầy Đường tự nhận mình là thế hệ sau nhưng ít nhiều đã từng nghe về chuyện của các đoàn lân giao tranh, giành địa bàn thời xưa.
“Mỗi đoàn ngày xưa mà đi diễn, những người hùng dũng nhất phải được đưa lên đầu. Trường hợp đụng địa bàn thì cả hai bên phải giao đấu để quyết định đất diễn, các võ sinh của 2 hai bên sẵn sàng giao tranh khốc liệt. Ngày xưa, các đoàn lân không có địa bàn hoạt động nhất định dẫn đến việc phải giao tranh. Khi đụng độ, 2 đoàn lân có thể giao lưu thông qua một vài điệu múa. Kết thúc trận giao tranh bằng kỹ thuật để quan sát tinh thần cầu hoà của đoàn đối phương. Cuối trận, 2 đầu lân nhất định phải rẽ sang 2 hướng khác nhau, nếu có 1 trong 2 quay đầu lại sẽ mang hàm ý khiêu chiến”.
Theo tìm hiểu, hơn 50 năm trước, lân sư rồng ngoài là văn hoá còn thể hiện sự hùng dũng của đoàn lân tại một địa bàn cụ thể. Các đoàn lân mới khi gặp các đoàn lân cũ phải cúi đầu lạy 3 lạy và có những quy định như không được nháy mắt lân, không được chạm đuôi lân,… mà những người thời ấy phải noi theo. Hiện tại mặc dù những tục lệ này không còn thế nhưng trong tiềm thức nhiều người, lân sư rồng không tránh khỏi sự tranh hùng xưng bá.
“Giờ chúng ta đang sống ở một xã hội văn minh không còn những gì gọi là “luật ngầm” thời xưa nữa. Thờ phụng tổ tiên thì đương nhiên vẫn giữ nhưng giữ có chắt lọc, cái nào tinh túy, bổ trợ mình thì nên giữ thậm chí lan rộng thêm, còn cái nào cổ hủ, tai tiếng thì nên “cất” đi. Học trò của tôi đều là học sinh khá, giỏi. Có lúc tôi tự mình phải cam kết với phụ huynh về học lực của các em để các em được tiếp tục theo đuổi đam mê của mình với Tú Anh Đường. Nếu học không ổn định, lơ là tôi không nhận các em vào đoàn. Ở Tú Anh Đường ngoài học kỹ thuật các em còn phải học văn hoá, coi trọng nền tảng giáo dục từ nhà trường và gia đình, thành người trước khi thành tài”.
Thầy Đường thực hiện việc cải cách, lược bỏ những quan niệm cũ mang tính bạo lực với lân sư rồng. Có lẽ chính vì điều này mà, Tú Anh Đường ngoài lực lượng hùng hậu còn là những người có tài, có cả những người rời đoàn đã làm kỹ sư, bác sĩ, ông này, bà nọ hay đặc biệt hơn sau này khi các “lân viên” lớn, có người đã có gia đình, có người quay lại giúp đỡ đoàn bằng cách góp chút tiền của bằng tất cả những tấm lòng để Tú Anh Đường lớn mạnh.
Xem thêm: Bảng Xếp Hạng Các Trường Đại Học Việt Nam, Top 100 Trường Đại Học Đáng Học Nhất Việt Nam
Chúng tôi rời Tú Anh Đường với nhiều điều còn bỡ ngỡ, bên cạnh đó còn có sự thán phục dành cho các cô gái đội lân. Thầy Đường mách nhỏ: “Sau dịch này các em mới hoạt động lại bình thường, sắp tới bên Pháp sang quay phim về Tú Anh Đường, họ làm phim hoành tráng lắm”.