Phần cuối của series đình đám nhất thế giới đang khiến nhiều người hâm mộ khó chịu vì nội dung thiếu hợp lý.

Đang xem: Trò chơi vương quyền phần 8 khi nào ra

Kể từ khi lên sóng từ tập đầu tiên vào mùa hè năm 2011, “Game of Thrones” (tựa Việt: Trò Chơi Vương Quyền) do hãng HBO sản xuất đã trở thành một trong những series được chú ý nhiều nhất thế giới. Thể loại kỳ ảo tưởng như vốn chỉ dành riêng cho điện ảnh, nhưng với “Game of Thrones”, lần đầu tiên một vùng đất hư cấu với những quái thú rồng, thây ma đã xuất hiện trên màn ảnh nhỏ.

Chưa hết, nội dung của series này cũng vô cùng gay cấn, hấp dẫn khi xoay quanh cuộc chiến tranh giành quyền lực của các gia đình quý tộc, đầy những âm mưu, cạm bẫy, thao túng khó lường. Cái chết trong “Game of Thrones” đến vô cùng đột ngột và không chừa một ai, dù là nhân vật lớn hay nhỏ, lương thiện hay tàn ác thì luôn có thể ra đi bằng cách này hoặc cách khác. Bởi vậy, trải qua nhiều năm phát sóng, “Game of Thrones” không những giành được vô số giải thưởng, mà còn liên tục nâng cao tỷ suất người xem, một điều hiếm gặp so với các series truyền hình dài tập thường thấy.

*

Tuy nhiên, khi bước sang season 8, cũng là mùa chiếu cuối cùng của series ăn khách này, mọi thứ lại đổi khác. Từng tập phim trôi qua, những lời khen ngợi càng ít đi, thay vào đó là những khiếu nại về chi tiết bất hợp lý, mạch truyện gấp gáp. Các trận đánh đều diễn ra với chiến thuật đầy lỗ hổng như cho toàn bộ quân xông lên dù không thấy rõ kẻ thù trong đêm, đặt máy bắn đá ở phía trước đội quân thay vì phía sau, giúp kẻ thù dễ dàng phá hỏng,….

Nhiều nhân vật nổi tiếng như Daenerys Targaryen, Jaime Lannister còn thay đổi tính cách quá nhanh, phá vỡ hình tượng đã xây dựng qua bao nhiêu năm. Quan trọng hơn cả là những tình tiết phi logic đến nhảm nhí: Chúa quỷ Night King bị giết quá dễ dàng, con rồng bay trên cao bị thuyền bên dưới bắn trúng mà không phát hiện ra,… Tất cả đã khiến season 8 trở thành mùa phim bị “ném đá” nhiều nhất của “Game of Thrones”, không chỉ trên các trang mạng xã hội, mà ngay cả trên các chuyên trang phim ảnh danh tiếng. Vậy điều gì đã gây ra sự “tuột dốc không phanh” về chất lượng của series truyền hình một thời xuất sắc này?

*

Chúa quỷ Night King bị giết quá dễ dàng

Biên kịch “cắt ngắn” thiên truyện dài trong nguyên tác

Nguyên nhân đầu tiên nằm ở chính bộ đôi biên kịch của phim, đồng thời cũng là nhà sản xuất: David Benioff và Dan Weiss. Năm 2006, David Benioff là người khám phá ra bộ sách “A Song of Ice and Fire” (Trường Ca về Băng và Lửa) của tác giả người Mỹ George R. R. Martin, và nảy ra ý định chuyển thể bộ sách này thành phim. Sau khi lôi kéo cộng sự Dan Weiss vào cuộc, cả hai hẹn gặp nhà văn Martin để xin phép đưa tác phẩm này lên màn ảnh nhỏ. Martin đã “thử” hai người bằng một số câu hỏi hóc búa chưa có lời giải trong bộ truyện (tiêu biểu là “Mẹ của Jon Snow thực sự là ai?”). Sau khi bộ đôi trả lời được hết những câu hỏi này, George R. R. Martin mới đồng ý cho họ quyền chuyển thể bộ truyện đồ sộ của ông.

Trong suốt các season đầu, David Benioff và Dan Weiss đã thực hiện Game of Thrones bám rất sát vào nguyên tác, với đầy đủ những tình tiết phức tạp lẫn mạng lưới nhân vật, gia tộc chằng chịt, rối rắm. Một mặt, điều này khiến “Game of Thrones” trở thành series khá kén người xem, nhưng mặt khác, nội dung của tác phẩm cũng vì thế mà hấp dẫn, lôi cuốn hơn rất nhiều. Kết quả là đến mùa thứ 4, “Game of Thrones” đã có ngôi vị độc tôn giữa các series truyền hình Mỹ khác, khó có tác phẩm nào sánh được.

Xem thêm:

*

Trong suốt 9 năm “Game of Thrones” được trình chiếu, George R. R. Martin vẫn không viết xong được thêm một cuốn tiểu thuyết nào

Vậy nhưng tới năm 2015, sau khi season 5 ra mắt, nhà sản xuất “Game of Thrones” đã gặp vấn đề lớn. Chẳng là khi series bắt đầu được sản xuất vào năm 2009, bộ sách “A Song of Ice and Fire” đã xuất bản được 4 cuốn trong 7 cuốn dự kiến, và còn chuẩn bị ra cuốn thứ 5. Cả hai biên kịch lẫn nhà văn Martin – tác giả tiểu thuyết đều hy vọng bô truyện sẽ hoàn thành nốt 2 tập sách còn lại trong khi phim lên sóng. Tuy nhiên, thực tế là suốt 9 năm “Game of Thrones” được trình chiếu, George R. R. Martin vẫn không viết xong được thêm một cuốn tiểu thuyết nào. Điều này đẩy hai biên kịch vào hoàn cảnh phải tự nghĩ ra tình tiết, khi nội dung phim đã vượt qua tập sách xuất bản gần nhất.

Nếu vấn đề chỉ dừng lại ở đó, thì “Game of Thrones” có lẽ vẫn chưa đi đến kết cục bị ghét thậm tệ như hiện nay. Bởi David Benioff và D. B. Weiss đều là “fan cứng” của bộ sách, được chính tác giả Martin công nhận, nên dù phim có vượt tiểu thuyết thì họ vẫn có thể cho ra những tập mới chất lượng nếu thật sự chú tâm. Nhưng đằng này, cả hai biên kịch lại thống nhất sẽ dừng “Game of Thrones” ở season 8, với con số 73 tập phim. Lý do mà họ đưa ra là đã dành cả một thập kỷ cho tác phẩm này, và họ muốn kết thúc nó sớm để chuyển sang những dự án mới trong tương lai.

Chiều fan và “đốt cháy giai đoạn” khiến phim thiếu logic

Nhà văn Martin từng nói, nếu “Game of Thrones” muốn bám sát toàn bộ câu truyện mà ông có trong đầu, thì sẽ phải cần đến… 13 season mới bao quát được. Bởi lẽ kể từ tập sách thứ 4, thứ 5, các nhân vật chính từng ở cùng một nơi đã bị Martin chia rẽ và phân bổ ra khắp các vùng đất xa xôi: Arya Stark tới thành Braavos bên kia đại dương, Bran Stark ở tít cực bắc, Daenerys Targaryen ở thành Meereen phương đông… Chính Martin khi viết sách cũng băn khoăn không biết cho các nhân vật này trở lại đoàn tụ bên nhau như thế nào, chính vì thế nên ông mới lâu hoàn thành tiểu thuyết đến vậy.

*

Arya bị Waif – người hướng dẫn nghề sát thủ đâm vào bụng một cú chí tử, nhưng vẫn khỏe lại đầy thần kì, thậm chí còn chạy nhảy khắp đường phố…

Còn trên phim thì khác, vì hai biên kịch Benioff và Weiss buộc phải giữ đúng tiến độ mỗi năm một season, nên họ đã gấp rút đẩy các nhân vật về với nhau bằng những cách thức bất hợp lý để chiều lòng người hâm mộ. Chẳng hạn như Arya bị Waif – người hướng dẫn nghề sát thủ đâm vào bụng một cú chí tử, nhưng vẫn khỏe lại đầy thần kì, thậm chí còn chạy nhảy khắp đường phố… Từng ấy tình tiết phi thực tế chỉ nhằm đưa cô về quê hương kịp thời, thay vì la cà mãi ở xứ xa xôi. Tương tự, cách thức “ném logic ra ngoài cửa sổ” này cũng được áp dụng để đẩy nhanh việc Jon Snow gặp và phải lòng Daenerys Targaryen, Sansa Stark vạch trần Petyr “Littlefinger” Baelish, Cersei Lannister triệt tiêu các đồng minh của Daenerys…

Cái kết của “Game of Thrones” đã được chính nhà văn George R. R. Martin tiết lộ cho hai biên kịch từ nhiều năm trước, trong đó có chi tiết “Mẹ Rồng” Daenerys hóa điên và trở nên tàn ác. Tuy nhiên, khi sáng tác chi tiết này, Martin đã phải lên kế hoạch dẫn dắt rất cẩn thận, trong khi đó David Benioff và Dan Weiss lại gấp rút cho cô hóa điên chỉ trong… 2 tập phim. Chính việc “đốt cháy giai đoạn” này đã làm cho “Game of Thrones” dù có cái kết như tác giả sắp đặt, nhưng vẫn rất vô lý và khó tiếp nhận đối với người hâm mộ.

Xem thêm:

*

“Mẹ Rồng” Daenerys hóa điên chỉ trong… 2 tập phim

Hiện tại, “Game of Thrones” chỉ còn đúng một tập duy nhất là khép lại 9 năm làm mưa làm gió trên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, hãng HBO sẽ không rời bỏ thế giới Westeros đầy hứa hẹn này, mà sẽ tiếp tục sản xuất nhiều dự án khác lấy bối cảnh tại đây. Mặt khác, hai biên kịch Benioff và Weiss hiện cũng đã bắt tay vào hàng loạt dự án mới, trong đó có phiên bản truyền hình của “Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao” (Star Wars) cùng một series khác nói về cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ, không liên quan gì đến “Game of Thrones” nữa. Nếu họ vẫn tiếp tục cách thức làm việc “đầu voi đuôi chuột” như hiện nay, thì khán giả lẫn người hâm mộ quả thực phải dè chừng với những tác phẩm tiếp theo mà bộ đôi này tung ra.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *